Trong bảng xếp hạng này, S&P đã đánh giá định mức tín nhiệm nợ trong nước của Việt Nam là BB+ và tín nhiệm nước ngoài là BB. S&P cũng cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với những nguy cơ về kinh tế và tài chính, một phần do tình trạng tăng trưởng tín dụng nhanh và bội chi ngân sách. Theo tiêu chí xếp hạng của S&P, BB biểu thị tình trạng nền kinh tế có yếu tố đầu cơ. Những nền kinh tế có định mức tín nhiệm nợ ở mức này thường đang có điều kiện kinh doanh và tài chính bất lợi. Theo tờ Washington Post (Mỹ), đây là lần đầu tiên một tổ chức quốc tế chính thức thể hiện sự lo ngại về việc kiểm soát nền kinh tế đang tăng trưởng quá nóng của Việt Nam. Định mức tín nhiệm nợ của Việt Nam và một số nước lân cận: (Nguồn: S&P) | Tín nhiệm nợ trong nước | Tín nhiệm nợ nước ngoài | Việt Nam | BB+ | BB | Indonesia | BB+ | BB- | Trung Quốc | A | A | Thái Lan | A | BBB+ | Malaysia | A+ | A- | S&P dự báo, đến cuối năm 2008, tín dụng nội địa sẽ chiếm 95% tổng nhập quốc nội (GDP), trong khi vào năm 2006 là 71%. Tổ chức này cũng đưa ra lời cảnh báo, các chính sách điều hành không đúng hướng và nhiều nguy cơ trong lĩnh vực tài chính có thể sẽ khiến Chính phủ phải đứng ra cứu trợ với khoản ngân sách lớn. S&P cũng cho hay, mức đánh giá đối với Việt Nam có thể bị hạ thấp hơn, nhất là khi xuất hiện nguy cơ về khủng hoảng ngân hàng. "Chênh lệch cân đối kế toán của nhiều ngân hàng đã ở mức cao. Nếu một trong số các ngân hàng này lâm vào khủng hoảng, tâm lý lo ngại sẽ lan sang toàn bộ hệ thống ngân hàng. Điều này có thể sẽ buộc Chính phủ phải hỗ trợ và càng khiến các khoản nợ gia tăng", S&P nhận định. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng bền vững của Việt Nam vẫn rất tốt, một phần nhờ vào làn sóng đầu tư nước ngoài vẫn đang hướng vào Việt Nam. Trao đổi với VnExpress, TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, đánh giá mới đây của S&P là hợp lý với bối cảnh Việt Nam hiện nay, sau một năm tín dụng tăng trưởng mạnh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức 50%. Theo TS. Nghĩa, chính việc tín dụng tăng trưởng mạnh đã khiến chuẩn mực chất lượng tín dụng năm vừa qua giảm sút, và đây là một nguyên nhân của lạm phát. Biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát tăng giá cũng góp phần làm thanh khoản ngắn hạn tại các ngân hàng trở nên khó khăn. Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam mới đây, Ngân hàng Standard Charterd cho rằng, hiện 2 vấn đề lớn đối với nền kinh tế là tỷ lệ lạm phát và thâm hụt thương mại đều tăng mạnh. Theo Tổng cục thống kê, lạm phát 4 tháng đầu năm của Việt Nam là 11,6%, theo cách tính trung bình kỳ lên tới 21%. Nhập siêu 4 tháng đầu năm cũng ở mức kỷ lục 11,1 tỷ USD. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc S&P hạ mức tín nhiệm tín dụng có thể khiến một số nhà đầu tư ngắn hạn nhìn nhận lại về thị trường chứng khoán Việt Nam. Song nhà đầu tư dài hạn sẽ vẫn cân nhắc tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. TS. Nghĩa cho rằng, dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể giảm xuống 7%, song đây vẫn là mức cao so với thế giới. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, việc định mức tín nhiệm của các nền kinh tế giảm sút là khó tránh khỏi. Cũng theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng của việc S&P hạ định mức tín nhiệm, song hiện vẫn có một yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư này là chênh lệch về mặt bằng lãi suất trên thị trường thế giới và tại Việt Nam. Do tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam gia tăng, lãi suất ở mức khá cao, nên việc cho ngân hàng ở Việt Nam vay, mua giấy tờ có giá đang có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài ngắn hạn. Định mức tín nhiệm là một tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro tại môi trường đầu tư của một quốc gia hay vùng lãnh thổ và thường được các nhà đầu tư sử dụng để quyết định trước khi rót vốn. Ngoài Standard & Poor's, bảng xếp hạng độc lập của Moody's và Fitch cũng được nhiều nhà đầu tư sử dụng. Hệ thống xếp hạng của S&P bao gồm các mức đánh giá AAA, AA, A, BBB, BB, B, CCC, CC, C, D. Trong đó, các mức xếp hạng BB, B, CCC, CC và C biểu thị nền kinh tế đang có tình trạng đầu cơ. | |